Hội thảo “An toàn thực phẩm đối với sức khỏe người dân” tại Đà Nẵng
Ngày 10-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành Đà Nẵng phố phối hợp với Sở Công thương, Sở NN&PTNT và Sở Y tế tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm đối với sức khỏe người dân”. Nhằm góp phần thực hiện chủ trương thành phố “4 AN” và đề án quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng của thành phố Đà Nẵng đến 2020; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và chào mừng ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam 18/5, Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố, đã chủ động phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế tổ chức hội thảo “An toàn thực phẩm đối với sức khỏe người dân” nhằm hướng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố nhấn mạnh, “Việc quản lý ATTP vẫn chưa đạt được như mong đợi, người dân vẫn chưa an tâm về ATTP. Hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý ATTP là việc xử phạt thiếu tính răn đe, do vậy tình trạng vi phạm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng, phụ gia bị lạm dụng không đúng thành phần, quy trình... đang là vấn đề xã hội rất quan tâm. Vấn đề ATTP là rất lớn, có ý nghĩa sâu rộng không chỉ về mặt kinh tế, về an dân và an sinh xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc”. GS.TS Đào Hùng Cường, Chủ tịch Hội Hóa học Đà Nẵng cho biết, độc tố hiện nay có ở khắp nơi, bao vây tấn công con người từ mọi hướng bởi việc sử dụng hóa chất quá liều lượng và chất cấm tràn lan trong sản xuất, chế biến thực phẩm… Nguyên nhân chính của tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay là do con người, vì vậy giải pháp cũng phải bắt đầu từ con người. “Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực phẩm trong trồng trọt; sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản làm cho nguy cơ thực phẩm bị nhiễm bẩn ngày càng tăng. Quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định là nguy cơ làm cho thực phẩm bị nhiễm bẩn. Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa đạt được chất lượng theo yêu cầu; xử lý vi phạm về VSATTP chưa thực sự nghiêm khắc... Từ những thách thức, tồn tại trên cho thấy công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn…”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người dân.
Bà Lê Thị Thái Dương, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.Đà Nẵng cho rằng, các loại thực phẩm sản xuất, nuôi trồng, chế biến trong nước và nhập khẩu ngày càng nhiều và đa dạng chủng loại nhưng việc quản lý nhà nước và tính chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân chưa cao nên nguy cơ tiềm ẩn mất VSATTP phổ biến làm cho người dân không an tâm về VSATTP. Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành luật VSATTP, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm VSATTP, phát giác, tố giác các biểu hiện sai phạm VSATTP đến cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến chấp hành tốt và nghiêm trị các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về VSATTP... Theo GS.TS Đào Hùng Cường, cần siết chặt hơn nữa điều kiện đối với người kinh doanh buôn bán hóa chất, lập các tổ, nhóm tự quản hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm trong từng thôn, xóm có thể là một giải pháp tăng thêm tính hiệu quả sử dụng và giảm thiểu sự ô nhiễm, mất an toàn của loại mặt hàng này. Đồng thời tăng cường quản lý thực phẩm tại nguồn, khuyến khích người nuôi trồng ý thức giữ gìn thực phẩm sạch, hạn chế các dự án tác động xấu đến môi trường và điều cực kỳ quan trọng là phải chia sẻ lợi ích nhiều hơn cho người nuôi trồng. Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong Thanh tra, kiểm tra ATTP, để quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, chất lượng thực phẩm buôn bán, kinh doanh trên thị trường… Xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm về ATTP, kiên quyết đình chỉ không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP hoạt động, thông tin rộng rãi các cơ sở vi phạm trên các báo, đài để mọi người được biết..
|